"Con ong làm mật yêu hoa

     Con cá bơi yêu nước

     Con chim ca yêu trời

      …"

     Trích "Tiếng ru" của Tố Hữu.

     Từ xưa tới nay, mật ong luôn được gắn liền với các loài hoa, nhưng bạn có biết một số loại mật ong không được ra từ các loại mật hoa, “ Mật ong cao su” chính là một trong số đó.

     Mật Ong cao su không phải “mật ong làm từ cao su” và “giai như cao su” đâu bạn nhé. Mật ong không chỉ được những chú ong thợ tạo ra từ việc thu gom mật hoa, mật ong còn được tạo thành từ những loại dịch lá và chồi non đấy các bạn. Ở Việt Nam, mật ong được tạo nên từ dịch lá và chồi non có hai loại mật ong tiêu biểu đó là mật ong keo và mật ong cao su. Hôm nay, Ong mật Ban Mê Thuột sẽ chia sẻ với các bạn một số thông tin về mật ong cao su nhé.

     Cây cao su có nguồn gốc từ Nam Mỹ, người Pháp đã đưa giống vào Việt Nam năm 1878 để trồng nhưng không sống được. Năm 1892, 2.000 hạt cao su từ Indonesia nhập vào Việt Nam và đến 1907 được đánh dấu sự hiện diện cây cao su ở Việt Nam. Hiện nay, cây Cao su được trồng tại Việt Nam chủ yếu tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Thân cây mọc thẳng với chiều cao có thể đạt đến 30m, tán lá có thể rộng đến 5m và có thể sống trên 100 năm. Người ta trồng cây cao su để khai thác mủ là chủ yếu, tuy nhiên, cây cao su cũng mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi ong tại Việt Nam qua phần dịch lá như mình đã đề cập ở phần trên đấy các bạn. 

      Mật ong cao su thường được khai thác vào hai mùa trong năm đó là mùa cao su lá rụng và mùa cao su lá non. Mùa cao su lá rụng thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 01 của năm kế tiếp, mùa cao su lá non lại thường diễn ra từ tháng 03 đến tháng 05. Nếu có dịp đến với Đông Nam Bộ hoặc Tây Nguyên vào mùa cây cao su rụng lá, bạn sẽ phải xuýt xoa bởi cảnh tượng quá đỗi lãng mạn, một sắc trời mùa đỏ cam trên những cung đường đầy lá rụng, đưa tay hứng lấy lá vàng rơi, chẳng khác gì những cảnh tượng mùa thu trong những phim Hàn Quốc đã từng làm tan chảy trái tim bạn. Bạn sẽ chẳng thể kìm lòng mà chụp ngay cho mình những tấm hình “selfi cực chất”, dù giản đơn nhưng đủ khiến ta mê mẩn đến ngây người.

 

Vẻ đẹp của những cánh rừng cao su mùa lá rụng - Ảnh Internet

     

       Mật ong cao su chứa rất nhiều đường Glucose, có màu vàng nhạt, mùi thơm, vị ngọt dịu, độ sánh của mật phụ thuộc vào lá cao su (lá non hay lá già). Đây là loại mật chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng mật ong xuất khẩu đi các nước Âu - Mỹ, Nhật,… hàng năm.

      Cũng giống như đặc thù của các ngành nông nghiệp khác, người nuôi ong Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thời tiết. Khi gặp thời tiết thuận lợi, trời nắng nóng (nắng nóng chứ không phải nắng hạn bạn nhé), cây cao su tiết rất nhiều dịch lá, nhờ thế mà các chú ong thợ thu về được nhiều dịch lá tạo ra được nhiều mật ong hơn. Tuy nhiên, nếu không may, trong quá trình khai thác mật ong cao su, gặp phải những cơn mưa là xem như năm đó mật ong cao su mất mùa. Thuận theo lẽ tự nhiên, khi trời mưa, cây cối sinh trưởng, phát triển, với cây cao su, những cơn mưa trái mùa sẽ làm cho độ ẩm không khí cao, cây cao su cho nhiều phấn hoa. Khi ong thợ thu hoạch phấn từ cây cao su về làm thức ăn, ong chúa ăn phải “sữa ong chúa” tạo ra từ những con ong thợ ấy sẽ có hiện tượng ngừng sinh sản, mất ấu trùng, tuổi của ong thợ sẽ giảm và quân số trong đàn cũng giảm đi nhanh chóng. Thêm vào đó, nếu mưa nhiều, cây cao su sẽ tiết dịch lá kém đi thế là năm đó lượng mật thu được giảm đi trông thấy. Mưa không được, nhưng nắng hạn cũng không xong, nắng hạn làm cho mật cao su bị mất màu, không còn giữ được màu vàng nhạt vốn có của mình nữa. Lại một khó khăn khác, nếu gặp phải hiện tượng sương muối, cây cao su sẽ xảy ra hiện tượng phấn trắng, từ đó làm cho cây rụng lá mà lá rụng thì làm gì còn dịch lá cho ong hút và thế là sản lượng cũng sụt giảm theo. Chỉ vài tình tiết vậy thôi, đã thấy nghề nuôi ong rủi ro biết nhường nào? Vì vậy, ẩn sâu trong mỗi giọt mật ong cao su hảo hạng, là sự chăm chỉ cần mẫn của những chú ong thợ, cùng với sự tảo tần, vất vả của những người nuôi ong. Không chỉ đơn giản là việc chăn thả đàn ong vào những cánh rừng cao su mà đòi hỏi cả tri thức, kinh nghiệm, không những trong lĩnh vực ong mật mà còn cả trong việc dự đoán thời tiết, quan sát hiện tượng, khí tượng, thủy văn… cũng như bao tâm tư, tình cảm người nuôi ong trông ngóng, mong đợi vào một mùa khai thác, thu hoạch được mùa.

 

Ong Mật được đặt trong những cánh rừng cao su bạt ngàn

       

      Ong Mật Ban Mê Thuột hi vọng rằng, bài viết này sẽ mang đến những kiến thức hữu ích, giúp các bạn hiểu được giá trị trân quý của những giọt mật ong cao su, hiểu mật ong cao su được tạo nên như thế nào sẽ giúp các bạn yên tâm sử dụng đúng không ạ.

Trân trọng

Ong Mật Ban Mê Thuột