Bạn đã từng sử dụng mật ong? Bạn có dịp bắt gặp hình ảnh những chú ong say sưa hút mật trên những cành hoa, tán lá? Có bao giờ bạn thấy tò mò về một trong những loài động vật chăm chỉ nhất hành tinh này không? Bạn biết gì về chúng? Có phải tất cả con ong đều hút mật? Có phải sữa ong chúa được tạo ra từ con ong chúa? Hãy cùng xem bài viết dưới đây để có thể tự mình trả lời các câu hỏi này nhé.
Ong mật là một trong số ít các loài côn trùng có cấu trúc xã hội phức tạp, trong một tổ ong thường có một con ong chúa, nhiều con ong đực, vài trăm ngàn con ong thợ. Mỗi con ong mật đều phải trải qua bốn bước tiến hóa: từ trứng, thành ấu trùng, hóa nhộng và cuối cùng là ong trưởng thành. Những con ong chưa nở được gọi chung là ấu trùng, chúng được cho ăn và chăm sóc bởi những con ong thợ.
Bốn bước tiến hóa của một con ong ( Ảnh minh họa) |
Đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về ong chúa. Ong chúa là con ong cái đã phát triển hoàn chỉnh, có kích thước lớn nhất và là “người phụ nữ quyền lực” nhất trong tổ, có nhiệm vụ đẻ trứng để duy trì nòi giống. Ong chúa được nở ra từ trứng đã thụ tinh và ấu trùng này được nuôi đặc biệt bằng thứ thức ăn được tiết ra từ tuyến nước bọt của những con ong thợ, nguồn thức ăn đặc biệt này chính là sữa ong chúa. Điểm giống nhau giữa ong chúa và ong thợ là đều được sinh ra từ trứng đã thụ tinh. Tuy nhiên, ấu trùng ong chúa được chăm sóc trong trong các lỗ tổ có kích thước lớn hơn so với các lỗ tổ còn lại, gọi mũ chúa và được cho ăn hoàn toàn bằng sữa ong chúa. Ấu trùng ong thợ chỉ được cho ăn sữa ong chúa 3 ngày đầu tiên sau đó được nuôi bằng mật ong và phấn ong cho tới khi trưởng thành. Một đàn ong chỉ có duy nhất một con ong chúa. Khi trong tổ xuất hiện từ 2 con ong chúa trở lên thì sớm hay muộn chúng cũng sẽ tách đàn (hoặc con ong chúa mới được sinh ra để thay cho ong chúa đã già yếu). Khi ong chúa tăng cường tạo ra ong đực bằng việc đẻ trứng chưa được thụ tinh thì ong thợ cũng chuẩn bị cho việc tạo ra một con ong chúa mới bằng cách xây các mũ chúa, chăm sóc và nuôi dưỡng ấu trùng ong chúa. Khi con ong chúa mới xuất hiện, con ong chúa ban đầu sẽ rời khỏi tổ với một số lượng ong thợ đi cùng. Sau khi bay vòng quanh không trung khoảng vài phút, chúng thường tập trung lại trên một cành cây hay những vật tương tự như vậy nhưng không ở đó quá lâu. Vào ngày hôm sau, chúng sẽ rời vị trí đó để đi tìm một nơi chúng xem là tốt để xây một cái tổ mới. Những con ong còn lại trong đàn tiếp tục những công việc như bình thường ngoại trừ việc chăm sóc cho ấu trùng ong chúa. Con ong chúa mới nở sẽ tìm kiếm và tiêu diệt những ấu trùng chúa còn lại ngay trong các mũ chúa. Nếu có một con ong chúa mới nở khác rời khỏi lỗ tổ, hai con ong chúa sẽ “đấu” với nhau cho đến khi loại bỏ được đối thủ còn lại.
Hình ảnh 3 loài ong trong tổ ( Ảnh minh họa) |
Khi ong chúa nở được 1-2 ngày, ong thợ huấn luyện hệ cơ bằng cách rung lưng, lắc cánh, đuổi ong chúa chạy nhiều lần. Trong 3-5 ngày tiếp theo, ong chúa tập định hướng cửa tổ, mỗi lần bay 3-5 lần vào buổi chiều lúc trời nắng đẹp, lặng gió. Từ 5-8 ngày sau khi nở, ong chúa bay đi giao phối với ong đực, ong chúa có thể giao phối với một hay nhiều con ong đực. Sau khi giao phối từ 3 đến 4 ngày ong chúa sẽ bắt đầu đẻ trứng.
Tuổi thọ ong chúa khá dài, trung bình là 3 năm thậm chí lên tới 5-6 năm. Tuy nhiên, thời kỳ đỉnh cao của ong chúa là trong 1-2 năm đầu. Ong chúa càng già thì tỷ lệ đẻ ra trứng không thụ tinh càng lớn. Khi Ong Chúa tiết ra ít chất Pheromone (hiểu nôm na đây là một chất có mùi hương để hấp dẫn bạn tình), ong thợ sẽ xây mũ chúa và cấp tạo chúa mới. Cơ thể ong chúa lớn, cánh ngắn, bụng thon dài cân đối, bên trong chứa 2 buồng trứng phát triển. Phần lưng, ngực rộng và toàn thân ong chúa có màu vàng đen hoặc nâu đen.
Để khám phá những điều thù vị về con ong đực, mời bạn đọc bài viết Ong đực - "Người đàn ông yếu đuối nhưng thủy chung".
--- Hết Phần 1 ----