Ong đực - "Người đàn ông yếu đuối nhưng thủy chung"

8901 lượt xem | Luật Trí Nam | 16/03/2021

     Từ xưa đến nay, nói đến phái mạnh, người ta nghĩ ngay đến những hình tượng oai phong, lẫm liệt của giống đực, từ con người cho đến muông thú. Đối với loài người, đàn ông sức dài vai rộng luôn là trụ cột của gia đình, là an nguy của xã tắc, đối với động vật, sư tử đực với bộ lông oai vệ xứng danh là chúa tể sơn lâm, hình tượng anh hổ oai phong, chú trâu dũng mãnh, anh gà trống với chiếc mào to vươn cổ gáy… nhưng trớ trêu thay, tạo hóa lại sinh ra những con ong đực, không những không thể bảo vệ an nguy của đồng loại, chúng thậm chí còn không thể bảo vệ chính mình.

     Ngay cả cách ong đực sinh ra, vốn dĩ đã không thuận theo quy luật tự nhiên của đại đa số loài động vật trên trái đất. Đối với các động vật khác, trứng không được thụ tinh sẽ không thể nở thành con nhưng ong đực lại được nở ra từ trứng do ong chúa đẻ ra mà không cần trải qua quá trình thụ tinh (trong một số trường hợp đặc biệt, ong thợ có thể đẻ ra trứng không thụ tinh và nở ra ong đực). Bản năng sinh tồn cơ bản nhất của các loài động vật là ăn và tự kiếm ăn nhưng thương thay ong đực thậm chí còn không biết tự tìm kiếm thức ăn vì ong đực không có bộ phận hút và nhận phấn hoa, miệng ong đực không thích nghi với việc hút mật nên ong đực phải nhờ ong thợ nuôi và cho ăn. Vì vậy, khi nguồn thức ăn khan hiếm hoặc vào mùa đông, trong tổ không còn đủ thức ăn cho cả đàn, ong đực bị đuổi ra khỏi tổ một cách không thương tiếc mặc cho chúng có thể bị chết đói, chết rét bên ngoài. 

     Tạo hóa cho ong đực một cơ thể có màu đen, nhiều lông, cánh dài để thuận lợi trong việc bay theo ong chúa để giao phối nhưng lại không cho ong đực có khả năng tự bảo vệ khi kẻ thù tấn công vì ong đực nào có ngòi đốt. Tuổi thọ của ong đực chỉ ngắn ngủi trong khoảng 3 tháng. Đọc đến đây, có người sẽ thương cảm cho số phận hẩm hiu của ong đực, người lại sẽ cho rằng ong đực thật là “vô tích sự” phải không?

Ong đực - "yếu đuối" nhưng "thủy chung" (Nguồn internet)

     

     Tuy nhiên, có một đức tính mà Ong Mật Ban Mê Thuột nghĩ rằng, ai trong chúng ta cũng nên học hỏi từ loài động vật này, đó chính là “sự thủy chung” và “đức hi sinh cho đồng loại”. Bạn biết không? Quá trình giao phối của ong đực và ong chúa diễn ra trong không trung, khi “nữ chúa” bay ra khỏi tổ để tìm kiếm bạn tình. Lúc này, những con ong đực phải cạnh tranh với nhau nhằm giành được “người yêu” cho mình. Sau khi giao phối, bộ phận sinh dục của ong đực sẽ đứt ra và di chuyển vào trong bộ phận sinh dục của ong chúa để đảm bảo trứng được thụ tinh. Sau khi hoàn thành trọng trách quan trọng nhất của mình, ong đực sẽ chết ngay lập tức, xác ong đực rơi xuống đất kết thúc một sự sống. Mặc dù biết trước kết cục như vậy, nhưng mỗi con ong đực đã phải nỗ lực, cạnh tranh với biết bao con ong đực khác để có thể hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng duy nhất, chính là cùng người “bạn đời” duy trì nòi giống cho đồng loại của mình. Trong đàn ong có ong chúa, ong thợ, ong đực, mỗi thành phần có một chức năng và nhiệm vụ khác nhau, tất cả hợp lại thành một tổ chức xã hội phức tạp nhưng vô cùng thống nhất. Đối với ong đực, mặc dù có nhiều khiếm khuyết trong cơ thể cũng như trong bản năng sinh tồn nhưng chính ong đực mới là thành phần quan trọng bậc nhất để duy trì đàn ong tồn tại và phát triển.

Tin khác liên quan

Tin mới nhất

TƯ VẤN PHÁP LUẬT QUA ĐIỆN THOẠI: