Ong mật Mỹ thất thủ khi bị ong bắp cày Châu Á xâm lược, nhà khoa học của họ đã đến Ba Vì chỉ để xem ong mật Việt Nam phòng thủ tốt thế nào.

2151 lượt xem | Luật Trí Nam | 16/11/2021

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 11 năm 2019, khi một người nuôi ong ở tiểu bang Washington đi kiểm tra những cái tổ của mình, ông tá hoả phát hiện chúng đã bị tấn công không thương tiếc. 

Có đến hàng ngàn xác con ong mật chết nằm rải rác dưới mặt đất. Những con ong đã bị chặt đầu và cắn xé một cách tàn nhẫn. Tổ của chúng thì đã bị đục thủng.

Xác những con ong mật được người chủ ong Ted McFall ở thành phố Blaine, Washington chụp lại.

 

Bất chấp kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, người chủ ong Ted McFall chưa bao giờ thấy cảnh tượng nào khủng khiếp như vậy. Thủ phạm không thể được xác định cho đến tận đầu tháng 12, một con chó địa phương phát hiện "hắn" đã chết trên hiên nhà mình.

Đó không phải là người, mà là một con ong bắp cày khổng lồ. "Một con ong bắp cày lớn nhất mà tôi từng thấy", người chủ chú chó cho biết. Ông ấy chỉ sống cách trại ong của McFall 4 km về phía Bắc và đã liên lạc ngay với nhà chức trách khi nhìn thấy kẻ tình nghi.

Con ong sau đó được xác định thuộc giống Vespa mandarinia, hay ong bắp cày khổng lồ Châu Á. Những con ong này trước đây vốn chỉ sống ở Đông Nam Á và một số vùng Viễn Đông của Nga. Nhưng bằng cách nào đó, bây giờ chúng lại xuất hiện ở nước Mỹ. 

Xác của một con ong bắp cày sát thủ. Với cặp hàm này, nó có thể chặt đầu 20 con ong mật chỉ trong vòng 1 phút.

 

Đó hẳn không phải tin tốt lành gì, bởi những con Châu Á này rất thiện chiến. Chúng được mệnh danh là ong bắp cày sát thủ, một loài săn mồi đầu bảng và sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho hệ sinh thái ong mật ở Bắc Mỹ cũng như toàn bộ vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.

Với những chiếc răng hàm khổng lồ, ong bắp cày Châu Á có thể xé đầu ong mật một cách dễ dàng. Sau đó, chúng rút ngực con mồi để ăn sống, nơi có những bó cơ béo ngậy và giàu dưỡng chất, thứ cung cấp năng lượng cho cánh ong đập ở tần số cao.

Một con ong bắp cày có thể chặt đầu 20 con ong mật chỉ trong vòng một phút. Và một tổ đội nhỏ của chúng có thể xoá sổ cả đàn ong 30.000 con trong 90 phút đồng hồ. Ong bắp cày cũng có nọc độc. Vết đốt của chúng cực kỳ đau và ngòi của chúng thì đủ dài để đâm thủng cả bộ quần áo nuôi ong bình thường.

Trong hàng triệu năm tiến hoá biệt lập ở Châu Mỹ, những con ong mật địa phương không được trang bị bất cứ chiến lược gì để phòng thủ trước kẻ thù mạnh mẽ đến từ Châu Á. Chúng nhanh chóng bị thất thủ, và những vụ tàn sát như ở tổ ong của McFall là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Kênh Discovery thậm chí đã làm hẳn một bộ phim tài liệu "Attack of the Murder Hornets" kể về cuộc chiến tranh không khoan nhượng trong thế giới của loài ong. Còn các nhà khoa học Mỹ, họ đã phải cất công quay trở lại Châu Á để tìm hiểu xem ong mật bản địa đã đối phó với ong bắp cày khổng lồ như thế nào? 

Việt Nam nằm trong số những địa điểm được lựa chọn và những con ong của chúng ta đã không làm người Mỹ phải thất vọng.

Ong ở Việt Nam phát ra những tiếng "píp" dài kỳ lạ

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Royal Society Open Science, các nhà khoa học Mỹ đã hợp tác với một nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam. Họ đã tới hai xã Ba Trại và Cẩm Thượng thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội nhằm nghiên cứu chiến lược phòng thủ tổ của ong mật Châu Á (Apis cerana).

Trong quá trình này, các nhà khoa học đã quay lại được vô số thước phim khi ong bắp cày khổng lồ tấn công vào tổ của ong mật. Tiến sĩ Heather Mattila, một phó giáo sư sinh thái học tại Đại học Wellesley đã để ý tới một chi tiết rất đặc biệt trong lần đầu tiên chứng kiến ong mật Việt Nam đối đầu với ong bắp cày.

Đó là tiếng động mà chúng phát ra. Giữa những vo ve của cánh ong mật và tiếng vù vù của cánh ong bắp cày lớn hơn, tiến sĩ Mattila nghe thấy những tiếng "píp" kéo rất dài. Nó dường như được ong mật Việt Nam phát ra như tiếng còi báo động, nhưng cũng giống với một tiếng thét thảm thương vang lên trong hỗn loạn.

Với kinh nghiệm tới 25 năm nghiên cứu ong mật ở Châu Âu, chưa bao giờ tiến sĩ Mattila nghe được những tiếng động tương tự như vậy. "Có một thứ gì đó rất con người trong tiếng kêu này của chúng, một thứ mà tôi có thể nhận ra được", cô nói.

Khác với con người giao tiếp bằng thanh quản và nghe bằng lỗ tai, ong sử dụng một cơ đặc biệt ở ngực của chúng để tạo ra thứ được gọi là "âm thanh rung" và nghe âm thanh rung đó bằng đoạn cuối râu của chúng.

Các cơ ngực này bình thường điều khiển cánh ong, nhưng chúng cũng có thể rung động ở một tần số rất cao để tạo ra âm thanh như tiếng rít. Các nhà khoa học từ lâu đã biết ong sử dụng các âm thanh này để giao tiếp.

Và trong trường hợp tiếng "píp" dài mà tiến sĩ Mattila nghe thấy, đó là cách mà những con ong ở Ba Vì báo hiệu cho nhau rằng ong bắp cày đang đến tấn công chúng.

Điều này được khẳng định sau khi cô và các đồng nghiệp nghe lại hơn 21 giờ đồng hồ băng ghi âm chứa khoảng 30.000 mẫu âm thanh của ong mật. Các mẫu âm thanh cũng được đưa vào máy tính để phân tích tần số và quan sát phổ.

Theo kết quả, tiếng "píp" dài này được ong mật phát ra cả trong tổ lẫn ngoài tổ, nó sẽ lên tới đỉnh điểm khi có một con ong bắp cày lượn ngay bên ngoài lối vào. Những con ong mật thậm chí có thể rung động cơ ngực và chuyển động cánh đồng bộ với nhau để tạo ra âm thanh cộng hưởng.

"Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng của những con ong này ở khoảng cách vài bước chân", tiến sĩ Mattila cho biết. "Các tiếng píp này có chung đặc điểm âm thanh với tiếng hú báo động, tiếng la hét sợ hãi và tiếng kêu hoảng sợ của các loài linh trưởng, cá loài chim và cầy meerkat".

Tiến sĩ Heather Mattila và nhóm nghiên cứu của cô ở Ba Vì năm 2013.

 

Đó là một phần của chiến lược phòng thủ thông minh

Tuy nhiên, những tiếng "píp" dài của ong mật Châu Á không chỉ đóng vai trò như tiếng báo động. Các nhà khoa học phát hiện đó còn là một phần của chiến lược phòng thủ tổ rất thông minh của loài ong này.

"Một ý tưởng được đề xuất rằng tiếng rít sẽ giúp đàn ong im lặng trong giây lát, vì những con ong đều sẽ đứng yên lại một nhịp sau khi phát ra chúng", tiến sĩ Mattlia cho biết. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng trong một cuộc chiến náo động, khi kẻ thù đã vào được trong căn cứ địa của bạn.

Sau một tiếng "píp" dài báo hiệu, đàn ong mật đồng thanh cùng nhau im lặng. Chúng sẽ tạo ra một cái bẫy để chỉ điểm ra kẻ gian đột nhập. Nhờ khoảng lặng này, những con ong mật sẽ biết ong bắp cày sát thủ đang ở đâu.

Và rồi chúng có thể làm gì? Các nghiên cứu trước đây cho thấy ong mật Châu Á sẽ nhào tới con ong bắp cày, bâu xung quanh để bọc kẻ thù lại trong một "quả bóng ong". Và bạn còn nhớ những bó cơ ở ngực chúng rung động để phát ra âm thanh chứ?

Lần này, cũng chính những bó cơ đó sẽ rung với tần số cao, nhưng là để tạo ra nhiệt. Bị bâu kín trong quả bóng ong nóng hổi đó, con ong bắp cày sát thủ sẽ bị giết chết vì ngạt thở và nhiệt độ mà ong mật tạo ra.

Đó là những gì xảy ra khi ong mật có được số lượng áp đảo kẻ thù của mình. Nhưng khi chúng chỉ có một mình hoặc với số lượng ít hơn, ong mật Châu Á sẽ làm gì để đối phó với ong bắp cày sát thủ? 

Các nhà khoa học quan sát thấy khi rơi vào tình thế đó, những con ong này sẽ lắc cơ thể của chúng ở một tần số nhất định. Hành động này sẽ tạo ra ảo ảnh với mục đích làm rối thị giác kẻ săn mồi. Sau đó, chúng có thể lợi dụng tình huống để trốn thoát.

Trước đó vào năm 2020, tiến sĩ Mattila cũng đã công bố một nghiên cứu cho thấy quần thể ong mật Châu Á ở Việt Nam có một cách phòng thủ tổ đặc biệt. Chúng thường nhặt phân trâu bò, thậm chí cả phân gà và trát lên lối vào tổ của mình.

Hành động này được thực hiện khi ong mật phát hiện ra ong bắp cày trinh sát đã đến và nhả ra các hợp chất (được gọi là pheromone) nhằm đánh dấu mục tiêu của chúng. Nhận thấy cuộc tấn công có thể diễn ra trong nay mai, ong mật đã đi nhặt phân để làm nhiễu tín hiệu hóa học pheromone mà ong bắp cày để lại.

"Chúng tôi nhận thấy ong bắp cày ít có khả năng đậu và tấn công vào tổ ong được trát phân ở lối vào", tiến sĩ Mattila nói. Cùng với nhau, các chiến thuật này đang giúp ong mật ở Việt Nam phòng thủ và phản công lại các cuộc tàn sát đẫm máu của ong bắp cày khổng lồ.

 

Ong mật Châu Á ở Việt Nam trát phân lên lối vào tổ để phòng thủ trước cuộc tấn công của ong bắp cày khổng lồ.

 

Hàng năm cũng vào khoảng thời gian mùa thu này, khi ong bắp cày khổng lồ tập trung nuôi ong chúa và những con non của mình, chúng thường sẽ phát động các cuộc tấn công mãnh liệt nhất vào tổ ong mật. Nếu không có đại dịch COVID-19, tiến sĩ Mattila và các đồng nghiệp của cô đã có thể quay trở lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu cuộc chiến ấy. 

Nhưng khác với quần thể ong mật ở Mỹ vẫn đang bị đe dọa, các nhà khoa học cho biết họ khá yên tâm với kỹ năng chiến đấu của ong mật ở Việt Nam. Chúng có lẽ vẫn đang cần mẫn xóa dấu vết pheromone, tạo ra các tiếng kêu báo động và sẵn sàng phản công lại mỗi khi bị ong bắp cày sát thủ đe dọa.

Nguồn: https://genk.vn/ong-mat-my-that-thu-khi-bi-ong-bap-cay-chau-a-xam-luoc-nha-khoa-hoc-cua-ho-da-den-ba-vi-chi-de-xem-ong-mat-viet-nam-phong-thu-to-the-nao-2021111217124931.chn

Tin khác liên quan

Tin mới nhất

TƯ VẤN PHÁP LUẬT QUA ĐIỆN THOẠI: